Bài học môn Thể dục lớp 11

 

Học sinh tự luyện tập bài thực hành ở nhà trong 4 tuần từ ngày 6-10-2021. Kiểm tra vào tuần 7.

 

 

NGUYÊN TẮC VỪA SỨC VÀ NGUYÊN TẮC HỆ THỐNG TRONG TẬP LUYỆN TDTT

1/ Nguyên tắc vừa sức:

  1. Khái niệm:

Là một trong những nguyên tắc cơ bản (sư phạm) của giảng dạy và tập luyện TDTT. Tập luyện TDTT muốn đạt được hiệu quả thì các bài tập phải phù hợp với những đặc điểm trí tuệ, sức khỏe, giới tính, thể lực tâm lý và trình độ vận động của người học.

  1. Nội dung:

Theo nguyên tắc vừa sức, việc lựa chọn và thực hiện các bài tập để học kỹ thuật động tác, phát triển tố chất thể lực cần phải phù hợp với sức khỏe, giới tính, trình độ vận động và thể lực của người tập.

– Cần phải có sự nỗ lực rất lớn về thể chất và tinh thần.

  1. Yêu cầu:

– Cần có kế hoạch tự theo dõi, kiểm tra để xác định mức độ phù hợp với LVĐ ( Lượng vận động ) tập luyện và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe và thể lực.

– Căn cứ vào một số dấu hiệu cơ bản để theo dõi, kiểm tra như:

+ Lượng mồ hôi: Mồ hôi ra nhiều trong điều kiện mùa hè nóng và ẩm là điều bình thường, song sau tập luyện 1-2 giờ mà mồ hôi vẫn ra nhiều, thậm chí ban đêm vẫn còn ra mồ hôi đặc biệt ở thắt lưng thì đó là dấu hiệu LVĐ vượt quá sức chịu đựng.

+ Mạch đập: Nên đo mạch đập trước và sau khi tập luyện, đặc biệt là sau các bài tập chạy bền. Nếu sau khi kết thúc bài tập sức bền hoặc kết thúc buổi tập 10-15 phút mà mạch đập vẫn còn cao hơn bình thương 10-15 lần/phút thì LVĐ của buổi tập đó quá sức so với trình độ thể lực và sức khỏe.

+ Màu da: Nếu thấy sau tập luyện da đỏ nhiều là biểu hiện đã mệt mỏi do LVĐ cao. Nhưng nếu thấy da tái thì đó là biểu hiện mệt mỏi quá mức do LVĐ vượt quá sức chịu đựng.

+ Cảm giác chủ quan: Rất mệt – không chịu đựng được – cảm thấy đau rát ở cơ, khớp, cảm giác chóng mặt, buồn nôn … là tín hiệu của LVĐ quá mức.

+ Ăn uống; Mệt nhưng sau nghĩ ngơi vẫn ăn ngon miệng thì đó là dấu hiệu của LVĐ phù hợp. Ăn không ngon, không ăn hết mức ăn hằng ngày là LVĐ đến giới hạn.

+ Giấc ngủ: Mệt nhưng vẫn ngủ ngon, đó là LVĐ phù hợp nếu “ngủ mê sảng có cảm giác bị đè nặng ở ngục” thì đó là LVĐ đến giới hạn.

Bài tập thể dục có vừa sức với em không?

Để tập luyện vừa sức cần thực hiện tốt các yêu cầu nào?

2/ Nguyên tắc hệ thống:

  1. Khái niệm:

Nguyên tắc hệ thống là một trong những nguyên tắc sư phạm chỉ rõ giảng dạy và tập luyện TDTT cần phải dựa trên cơ sở khoa học, phải được tiến hành theo một trật tự, một cấu trúc thống nhất và chặt chẽ.

  1. Nội dung:

– Quá trình tập luyện TDTT muốn đạt được hiệu quả cao cần phải đảm bảo tính mục đích, tuần tự và tính liên tục;

– Tạo được cảm giác tri giác vận động và hình thành được biểu tượng vận động;

– Tập luyện TDTT thường xuyên.

  1. Yêu cầu:

– Tập luyện TDTT cần phải tiến hành một cách có chủ đích, có kế hoạch.

+ Mục đích dài hạn;

+ Mục đích giai đoạn;

+ Mục đích cụ thể trong từng buổi tập;

+ Xây dựng cho mình một kế hoạch tập luyện phù hợp với điều kiện bản thân.

– Sắp xếp nội dung các buổi tập cần chú ý đến tính tuần tự và mối liên hệ lẫn nhau giữa chúng.

+ Từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ nhẹ đến nặng.

– Chú ý đến mối quan hệ bổ trợ cho nhau giữa các bài tập.

– Cần tập luyện thường xuyên, liên tục tránh nghỉ tập luyện quá dài.

  1. Củng cố:

– Thế nào là nguyên tắc vừa sức và nguyên tắc hệ thống ?

– Để tập luyện TDTT một cách có hệ thống cần đạt được những yêu cầu nào?

– Nội dung tập luyện nên sắp xếp như thế nào?

– Thế nào là nguyên tắc hệ thống?

– Muốn tiếp thu được kỹ năng, kỹ xảo vận động thì các em phải hiểu được mục đích, nội dung của bài tập là gì?